HOTLINE : 0188 681 7878

Thursday, April 28, 2016

Ngáy khi ngủ nguy hiểm khôn lường

Ngáy khi ngủ là điều thường gặp trong cuộc sống. Nhiều người coi đó là thói quen xấu, thậm chí chỉ coi đó là hiện tượng mà không quan tâm đến nguyên nhân sâu xa bên trong. Bác sĩ thì cho rằng, nguyên nhân tiềm tàng của ngáy ngủ xuất phát từ vấn đế ở cổ họng, thậm chí cả bệnh lý như cao huyết áp, tức ngực, tiểu đường, xoang, dị ứng mũi...Nếu không chữa trị kịp thời có thể ngáy khi ngủ dẫn đến đột tử trong đêm do nghẹt thở.
Ngủ phát ra tiếng ngáy là gì?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Văn Giàu cho biết, ngáy là do vùng họng bị thu hẹp. Khu vực bị thu hẹp có thể ở mũi, họng, miệng. Khi đó, lượng khí đi vào vùng họng bị hẹp này sẽ làm cho khu vực xung quanh rung lên. Quá trình rung lên đó, khiến cho người bị mắc chứng ngáy phát ra âm thanh. 
Nguyên nhân dẫn đến ngủ ngáy không chỉ do quá cân, thừa cân hay béo phì. Đôi khi nguyên nhân cũng xuất phát từ nhậu nhẹt, cơ thể mê mệt sau khi làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Hút thuốc lá nhiều không chỉ gây nhiều bệnh mà làm cho cổ họng hẹp đi vì lớp khói ám lên thành cổ họng cũng dẫn đến ngủ ngáy. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân do amidan quá lớn, viêm xoang, dị ứng mũi gây nên ngủ ngáy.
Tâm lý coi thường chứng ngủ ngáy hay xấu hổ nên không dám nói ra mà nhiều người đã té ngửa khi phát hiện chứng bệnh trong người. Có một điều bác sĩ cảnh báo là ngủ ngáy đôi khi chỉ dấu có thẻ sẽ mắc bệnh tiểu đường. Bởi khi ngủ ngáy ảnh hưởng việc cung cấp oxy và tổng hợp insulin. Insulin là thành phần quan trọng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và gây bệnh tiểu đường. Do đó với người ngủ ngáy phải đi khám thường xuyên để có những điều chỉnh và tư vấn của bác sĩ.
Những phiền toái dở khóc, dở cười từ ngủ ngáy
Thường xuyên phải chịu sự tra tấn bởi tiếng ngáy của ông chồng mỗi đêm, chị Hương Giang (Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Lúc mới cưới nhau, anh ấy ngủ rất ngoan, nhưng không hiểu sao gần đây anh ấy ngáy to quá làm tôi khó chịu cả đêm không thể ngủ được. Sáng hôm bực bội bảo với chồng thì anh xã tỉnh bơ :“anh đâu ngáy, nếu anh ngáy to thế sao anh không biết”. Sau phải giơ bằng chứng ghi âm thì ông chồng mới khỏi cãi”.
“Có hôm hai vợ chồng vừa hành xử nhau xong, mình còn đang chưa tỉnh, quay ra lão chồng đã ngáy khò khò, tức không chịu được”, chị Mỹ Khanh ấm ức.
Có vợ hơn 60 cân, anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên ngân hàng Vietcombank chia sẻ: “vợ tôi cứ nhắm mắt là ngáy, hồi đầu không quen, sau mãi cũng quen dần. Nhưng cách tốt nhất là đi ngủ trước vợ, ngủ say là sẽ không nghe thấy cô ấy ngáy nữa”.
Đây là tâm lý chung của hầu hết những người mắc phải ngáy và người thân của họ. Người bị ngáy thì chẳng biết mình ngáy và luôn có tâm lý sợ mất hình tượng, xấu hổ. Còn người nghe ngáy thì xem như đó là thói xấu của chồng hoặc vợ nên phải cố gồng và chịu đựng. Tuy nhiên, không nên xem thường bởi khi thói quen ngáy để lâu sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh về sau.
Ngáy khi ngủ nguy hiểm khôn lường
Người có thói quen ngủ ngáy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ người thân của họ. (Ảnh minh họa)
Một số biện pháp phòng 
Bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để cơ thể không bị thừa cân. Bởi béo, thừa cân sẽ gây nên ngáy do mô mỡ ở cổ họng làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi không khí. Để khắc phục điều này, giải pháp là bạn nên tập thể dục sau giờ làm việc, tập luyện thường xuyên, từ nhẹ đến nặng và đều đặn, không nên bỏ cuộc. Để phòng ngáy ngủ, bạn cũng nên từ bỏ thói quen bia rượu, nhậu nhẹt gần giờ đi ngủ. 
Với tư thế ngủ, bạn nên chọn cách ngủ nghiêng tránh ngủ nằm ngửa. Có thể kê gối ở đầu lên đến 45 độ. Cách này giúp bạn thoải mái hơn mà không lo bị ngáy. Ngoài ra, bệnh ở mũi như viêm mũi dị ứng phải được chữa trị, thăm khám kịp thời tránh kéo dài ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Lazy
(Theo Congluan)

Wednesday, April 27, 2016

Các loại trái cây tập trung dinh dưỡng ở vỏ

Bạn có biết rằng táo, nhỏ hay một số loại trái cây khác tập trung tới 90% chất dinh dưỡng ở vỏ? Nhưng chúng ta thường bỏ vỏ đi khi ăn các loại trái cây này
Chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa như anthocyanins, flavonoids, vitamin C… lại thường nằm ở vỏ, những chất này có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể, đồng thời phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng cường khả năng miễn dịch.
Một số quả có chứa chất dinh dưỡng ở vỏ nhiều hơn
Táo: Vỏ táo giàu vitamin C, anthocyanin và các hợp chất polyphenol khác.
Đỗ xanh: Thành phần chính của đỗ xanh đã bỏ vỏ là protein và tinh bột, trong khi vỏ đỗ xanh có chứa lượng lớn các thành phần chống lão hóa như  flavonoid, tanin, saponin…
Cà tím: Trong vỏ cà tím chứa phần lớn các chất anthocyanin và flavonoid.
Nho: Vỏ nho không chỉ chứa nhiều thành phần chống lão hóa, mà còn chứa chất resveratrol có tác dụng giảm mỡ máu, ngừa huyết khối, chống xơ cứng động mạch.
Một số loại đậu. Đậu đen, đậu đỏ, đậu phộng, đậu tây đều có vỏ chứa nhiều thành phần chống oxy hóa.
Chất chống ung thư
Củ cải: Vỏ củ cải chứa khá nhiều các chất isothiocyanate, là thành phần chủ chốt có tác dụng chống ung thư.
Cà chua: Vỏ cà chua giàu chất lycopene, là một trong những chất tự nhiên chống lão hóa mạnh nhất, đồng thời có khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch và các bệnh ung thư.
Chất xơ và các thành phần dinh dưỡng khác
Hầu hết vỏ các loại rau quả đều giàu chất xơ, có khả năng thúc đẩy nhu động ruột, lợi cho việc ngăn ngừa táo bón, như vỏ táo, vỏ cà chua, vỏ nho, vỏ đậu đỏ…
Bên cạnh đó vỏ quả cũng tập trung khá nhiều các loại khoáng chất và vitamin: Vỏ cà tím chứa vitamin P, B; vỏ lê giàu chất sắt và chất kẽm; vỏ táo chứa nhiều crom hơn cả thịt.
Nếu bạn sợ trên vỏ rau quả vẫn còn thuốc trừ sâu thì khi rửa hãy dùng lực chà sạch vỏ dưới vòi nước, để bụi bẩn và hóa chất trôi ra ngoài. Nếu vỏ cứng và khó rửa, bạn có thể dùng bàn chải chà rửa rồi rửa sạch lại với nước khoảng 15-20 phút là có thể ăn.
Dùng các dung dịch ngâm tẩy rửa có thể loại bỏ thuốc trừ sâu, nhưng không nên ngâm rau quả quá lâu, ngâm 10 phút là thích hợp.

10 sự thật đáng kinh ngạc về sức khỏe

Có rất nhiều con số đáng ngạc nhiên về sức khỏe có thể làm cho cuộc sống của bạn trở nên khỏe mạnh hơn. Ví dụ, nếu bạn đang cố giữ cho bản thân mình tỉnh táo, bạn có thể uống một vài ly cà phê. Nhưng nếu bạn biết một thực tế rằng còn có nhiều cách khác có thể giúp bạn tỉnh táo, bạn có thể sẽ muốn tránh xa caffeine không lành mạnh và sống một lối sống lành mạnh hơn.
Những con số và những kết quả nghiên cứu dưới đây hẳn sẽ là những thông tin hữu ích để bạn “đối xử” với chính mình tốt hơn.
10 sự thật đáng kinh ngạc về sức khỏe
1. Một người chạy liên tục trong một khoảng thời gian 3 giờ có thể tiêu hao gần nửa kg chất béo trong cơ thể của mình. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn chạy 20 - 25 phút mỗi ngày, bạn có thể giảm một kg mỗi tháng.
2. Não của những người khởi động ngày mới bằng việc tập thể dục có thể sẽ thông minh hơn 10% khi làm việc.
3. Nếu người hút thuốc lá uống trà đen, việc này có thể ngăn chặn một chút việc tổn thương ở phổi.
4. Tốt hơn hết, bạn nên để điện thoại di động luôn được sạc đầy pin vì chúng sẽ phát ra quá nhiều bức xạ hơn nếu có cuộc gọi đến trong lúc pin đang ở mức thấp.
5. Một người thực hiện 6000 lần động tác nhảy dang tay chân (jumping jack) có thể tiêu hao gần nửa kg trọng lượng cơ thể có nghĩa là bạn có thể giảm 1 kg chất béo trong một tháng nếu bạn thực hiện 400 lần nhảy/ngày.
6. Luyện tập thể thao trước khi đi ngủ có thể đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo khi bạn đang ngủ.
7. Một nghiên cứu cho rằng những người chỉ ăn các món ăn được nấu ở nhà có thể sống thêm vài năm so với những người hàng ngày đi ăn quán.
8. Các chuyên gia y tế cho rằng uống nước lạnh ngay sau khi bạn thức dậy làm cho bạn tỉnh táo  một cách tốt hơn khi so sánh với một tách trà hoặc cà phê.
9. Ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch của cơ thể bạn.
10. Tập thể dục vào mỗi buổi sáng thứ Hai có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn trong cả tuần và có tư duy tốt hơn.
 
 
Thụy Du – (Dịch theo BS)
(Theo Congluan)

Friday, April 22, 2016

Quan niệm sai lầm về bữa sáng có thể gây hại dạ dày của bạn

Duy trì việc ăn sáng hàng ngày là thói quen tốt cho mỗi người. Đây là cách để đảm bảo năng lượng cho một ngày hoạt động, làm việc hiệu quả. Nhiều người không có cảm giác đói sau khi thức dậy nhưng đó là lúc bạn đang được nuôi dưỡng bằng lượng đường còn lại trong cơ thể. Nếu bạn không ăn sáng, lượng đường này bị hạ thấp sẽ có những triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, bủn rủn tay chân.
Ăn sáng là việc nên làm nhưng có nhiều người đang ăn sáng không đúng cách gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Bữa ăn sáng được quan niệm là bữa ăn nhẹ, không quá cần thiết nhưng thực tế đây cũng là bữa ăn quan trọng với mỗi người như các bữa khác trong ngày.
Quan niệm sai lầm về bữa sáng có thể gây hại dạ dày của bạn
Có những người ăn sáng vội vàng bằng cách vừa đi vừa ăn, cầm đồ ăn trên tay tranh thủ ngồi trên xe buýt hay phương tiện công cộng hoặc trên ô tô để ăn. Cách ăn này rất nguy hiểm, bởi giờ đi làm buổi sáng rất đông đúc nếu bạn không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Khi bạn đang thưởng thức bữa sáng ngon lành, có thể hướng nhầm tay lái hoặc không quan sát hết được những người xung quanh đang rẽ hay chuyển hướng.
Thói quen vừa đi vừa ăn cũng rất có hại cho dạ dày làm cho quá trình tiêu hóa không được thực hiện tốt, dẫn đến đau hay viêm loét.  Trong khi nhiều người nghĩ bữa sáng không quan trọng nên bỏ qua thì nhiều người lại chọn cách ăn sáng quá nhiều chất, đa dạng thực phẩm để bù năng lượng cho cả ngày. Đây cũng là quan niệm sai lầm, bữa sáng góp phần khởi động hệ tiêu hóa sau một đêm ngủ dậy. Cho nên, lượng thức ăn vừa phải cho vào cơ thể sẽ tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc nặng nhọc ngay trong buổi sáng. Mặt khác, ăn quá nhiều thức ăn cũng gây cảm giác mệt mỏi thậm chí buồn ngủ làm bạn mất đi sự hứng khởi, thoải mái cho một ngày mới.
Món ăn bữa sáng
Sữa có nhiều dinh dưỡng cho một ngày làm việc. Nhưng uống sữa khi đói bụng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày. Theo các nghiên cứu cho thấy, uống sữa lúc đói gây mệt mỏi, buồn ngủ. Thậm chí, lúc đói, dạ dày co bóp càng mạnh sẽ làm cho sữa bị đẩy xuống ruột non và ruột già mà không thể hấp thu được bất cứ chất dinh dưỡng nào hoặc chỉ hấp thu được một phần.
Ngoài sữa, bữa sáng cần đa dạng chất dinh dưỡng tốt nhất là protein, canxi và chất xơ. Nhiều người chỉ ăn chất đạm là thịt, cá mà quên đi rau, củ, quả nên làm cho tiêu hóa khó khăn hơn. Bữa sáng chứa nhiều thịt tức là bạn nạp vào cơ thể nhiều năng lượng, protein, chất béo. Điều này có thể giúp bạn không đói nhưng dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn. Tốt nhất cần chọn các đồ ăn là ngũ cốc, chất xơ để đảm bảo năng lượng và dạ dày hoạt động dễ dàng.
Thói quen ăn trái cây thay cho bữa sáng cũng hết sức sai lầm. Trái cây chỉ chứa nhiều vitamin, có tác dụng bổ sung và hỗ trợ cơ thể. Chúng không chứa protein, calo cần thiết để bù đắp dinh dưỡng sau khi ngủ dậy. Nếu ăn trái cây sẽ khiến cho bạn cảm giác đầy bụng nhưng không no và vẫn không đảm bảo dinh dưỡng.
Mặt khác, bữa sáng với đồ ăn khô cũng là điều không tốt. Nguyên nhân do sau khi ngủ dậy, cơ thể thiếu nước. Nếu ăn đồ ăn khô sẽ càng làm cho lượng nước thiếu hụt dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và thể chất. 
Dù là mùa đông hay mùa hè cũng cần ăn các đồ ăn ấm vào bữa sáng. Đồ ăn ấm, nóng giúp cơ thể nóng lên để khởi động ngày mới. Các cơ bắp, mạch máu đang co lại, nếu ăn bữa sáng với đồ lạnh sẽ làm cho máu khó lưu thông. Thậm chí đồ ăn lạnh đi vào dạ dày có thể khiến bạn bị ngộ độc. Đặc biệt không nên ăn đồ ăn như canh, rau đã để qua đêm từ bữa ăn của ngày hôm trước.
Vũ Minh (Theo Congluan)

Monday, April 18, 2016

Cảnh giác với những loại chè rực rỡ sắc màu

Trước trình trạng hóa chất trong thực phẩm tràn ngập như hiện nay, hãy cảnh giác với những thực phẩm nhiều màu sắc, chẳng hạn như một số loại chè
Người bán đã dùng nhiều loại hóa chất tạo màu để những loại chè trở nên bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, màu thực phẩm nhân tạo rất nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Chè là một trong những món giải khát bán chạy nhất trong mùa nóng, dễ làm, dễ bán nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các vỉa hè. Tuy nhiên, để có được món chè nhiều màu sắc một số cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại sử dụng phẩm màu để làm cho chè có màu sắc bắt mắt hơn.
Hiện có rất nhiều loại chè được bán trong mùa hè này, những loại chè nhiều màu sắc như xanh cốm, đỏ, hồng, vàng chanh… hầu hết đều có sử dụng màu. Tùy thuộc vào người chế biến mà màu sắc của các loại chè này được làm đậm hay nhạt. Đặc biệt là các loại chè cốm, chè bưởi,  hạt trân châu, thạch thì 100% là được thêm phẩm màu và hương liệu cho dậy mùi.
Nếu dùng Caroten tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết xuất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường…thì rất an toàn nhưng nhóm phẩm màu nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao.
Còn phẩm màu nhân tạo là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)… Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư.

Tuesday, April 12, 2016

Khô mắt – bệnh lý thường gặp trong cuộc sống hiện đại

Khô mắt là bệnh thường gặp và ngày càng phổ biến ở nước ta nhưng lại dễ bị bỏ qua và ít được để ý đến. Khô mắt...
Khô mắt là bệnh thường gặp và ngày càng phổ biến ở nước ta nhưng lại dễ bị bỏ qua và ít được để ý đến. Khô mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên, gặp nhiều ở người cao tuổi, phụ nữ thời kỳ mãn kinh, những người làm việc văn phòng có độ ẩm thấp, tiếp xúc với máy tính hoặc đọc viết ở cường độ cao kéo dài, những người sau phẫu thuật mắt, đặc biệt phẫu thuật khúc xạ và thể thủy tinh.
Việc chẩn đoán xác định khô mắt, nguyên nhân khô mắt nhiều khi còn khó khăn do bản chất bệnh lý khô mắt phức tạp, đa yếu tố, có sự khác biệt giữa các lứa tuổi, nghề nghiệp… Vì lẽ đó, ngày 11/4/2016, Bệnh viện Mắt Trung ương đã khai trương Phòng khám Khô mắt tại Khoa Kết, Giác mạc - khám và điều trị chuyên sâu về bệnh khô mắt. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ bồi dưỡng nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khô mắt cho các bác sĩ tại Hà Nội và các vùng lân cận; nhân rộng mô hình Phòng khám chuyên sâu về bệnh khô mắt tại các trung tâm nhãn khoa, bệnh viện mắt các tỉnh, thành; đồng thời tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh lý khô mắt.
M.L

Monday, April 11, 2016

Món ăn thuốc từ cá tra

Cá tra là cá nước ngọt, thân dẹp, da nhẵn trơn, không vẩy, vây ngực có ngạnh cứng dạng răng cưa. Cá tra giàu protein, ít lipid và carbohydrat, nhiều muối vô cơ, Ca, P, Fe, sinh tố B, PP...
Vị ngọt, bình; vào phế, vị, cá tra có tác dụng hòa trung khai vị, bổ hư nhược, nhuận da cơ khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp hư lao, suy nhược, ăn kém chậm tiêu, sản phụ ít sữa, trẻ em thiểu dưỡng gầy còm. Liều dùng: 200 - 500g. Cách chế biến đa dạng như: nấu luộc, kho, hầm, chiên rán.
Sau đây là một số món ăn thuốc có cá tra.
Canh đậu phụ cá tra: cá tra 500 - 1.000g (loại bỏ vây ruột) thái lát to, đậu phụ 2 - 3 bìa (khoảng 200g) thái lát, cho thêm mắm, tương, tiêu ớt, gia vị, nấu lượng thích hợp nấu chín nhừ, thêm nước chanh hoặc nước me tương ớt. Món này rất tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Canh chua cá tra rất tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Canh chua cá tra: cá tra 500 - 1.000g (loại bỏ vây ruột) thái lát to, thêm khế chua hoặc me, ớt, hành, gia vị nấu canh chua, độ chua tùy ý. Dùng tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Cá tra kho mặn: cá tra (bỏ vây, bỏ ruột) 500 - 1.000g, nước dừa tươi 0,5 lít, tỏi 50g, ớt sừng 5 trái, hành 50g, nước mắm 3 thìa, gia vị. Cá cắt thành 4 - 5 khúc, để ráo nước, cho vào chảo chiên hai mặt hơi vàng, để ráo dầu, ướp nước mắm và tỏi ớt băm nhỏ. Cho vào nồi đất, tiếp tục cho nước, đun sôi 15 phút, tiếp cho thêm nước dừa, đun đến vừa cạn, rắc hành lá, ớt cắt khoanh lên là được. Cách làm cho cảm giác không ngán mỡ. Ăn với cơm nóng trong ngày mưa, rất ngon. Dùng cho các trường hợp ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Cá tra hầm đu đủ: cá tra (bỏ vây, bỏ ruột) thái lát; đu đủ xanh 200g gọt lớp vỏ xanh ngoài và lớp hột, thái lát to. Thêm gia vị, nước lượng thích hợp, đun nhỏ lửa hầm nhừ, dùng cho sản phụ sau đẻ ít sữa.
Lưu ý: Phải dùng cá tươi, không dùng cá ôi thiu. Không dùng gừng làm gia vị, sẽ tạo ra mùi vị khó chịu, khó ăn.
BS. Tiểu Lan

Tuesday, April 5, 2016

Bài thuốc chữa viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là chứng trạng âm nang sưng to, đau. Sơ khởi sưng to như quả trứng kèm theo đau. Nếu không điều trị kịp thời bệnh dễ sưng to, màu đỏ, đau, ảnh hưởng đến đại, tiểu tiện và toàn thân.
Viêm tinh hoàn là chứng trạng âm nang sưng to, đau. Sơ khởi sưng to như quả trứng kèm theo đau. Nếu không điều trị kịp thời bệnh dễ sưng to, màu đỏ, đau, ảnh hưởng đến đại, tiểu tiện và toàn thân.
Nguyên nhân bệnh do ngoại cảm lục dâm, độc tà xâm nhập vào hạ tiêu, ảnh hưởng đến 2 kinh mạch can và thận. Khi thấp nhiệt hạ chú ở hạ tiêu làm cho âm nang sưng đau. Hoặc do nằm ngồi lâu ngày ẩm thấp hoặc chấn thương hoặc ăn nhiều chất cay nóng, uống nhiều rượu thấp nhiệt uất kết tại âm nang hóa hỏa sưng đau.
Khi bị viêm tinh hoàn cần đi khám để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tùy theo thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
Thể thấp nhiệt hạ chú
Triệu chứng: âm nang nặng tức, sưng nhẹ, ấn đau, bụng dưới đau; Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày. Mạch huyền sác.
Bài thuốc: Quốc lão thang: đại điều thảo 40g + 400ml rượu trắng và 400ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml. Uống ngày 1 thang, uống ấm, chia đều làm nhiều lần, uống trong ngày. Uống liền trong 15 ngày. Sau đó uống tiếp bài Tướng quân thang: đại hoàng 12g, bối mẫu 12g, bạch chỉ 16g, cam thảo tiết 16g. Đổ 500ml rượu trắng và 500ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ngày 1 thang, chia đều nhiều lần, uống trong ngày.
Thể can kinh uất nhiệt
Triệu chứng: âm nang sưng to nóng đỏ, da căng bóng, sốt sợ lạnh, miệng khát, buồn nôn, đau đầu, tiểu tiện vàng sẻn; hoặc âm nang thành cục cứng, bụng dưới đau tức, tinh thần mệt mỏi. Mạch huyền hoạt.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 16g, chi tử 8g, trạch tả 12g, xa tiền 16g, mộc thông 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, sài hồ 16g, cam thảo 4g, quất hạch 12g. Đổ 1.500ml nước vào các vị thuốc trên, sắc lọc bỏ bã lấy 300ml. Uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Lưu ý: Không để chấn thương vùng sinh dục; Tránh để bị nhiễm lạnh và ẩm thấp, không ăn thức ăn cay, nóng; Giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục.
BS. Trần Văn Nguyên

Cháo thuốc dành cho người viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản là một bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, nhất là ở người cao tuổi thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của y học cổ truyền.
Viêm phế quản là một bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, nhất là ở người cao tuổi thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của y học cổ truyền. Nguyên nhân do ngoại phong hàn, phong nhiệt và khí táo. Bên cạnh việc dùng thuốc thì thực phẩm hỗ trợ cũng rất hiệu quả để phòng chống căn bệnh này. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chữa viêm phế quản mạn để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Cháo xa tiền tử: xa tiền tử (hạt mã đề) 10-15g, gạo lức 50g. Dùng vải bọc xa tiền cho vào nồi đất cùng với 0,2 lít nước nấu còn 0,1 lít, bỏ túi thuốc, cho gạo lức đãi sạch vào, thêm 0,4 lít nước nấu thành cháo loãng. Ngày 2 lần, ăn nóng. Công dụng: lợi thủy tiêu thũng, dưỡng gan, sáng mắt, trừ đờm khỏi ho. Dùng cho các chứng viêm phế quản ở người già, tiểu tiện khó, thấp nhiệt ẩm, khí hư, tiểu ra máu, ho ra nhiều đờm, mắt đỏ sưng đau và người bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, viêm niệu đạo, viêm bàng quang, kết mạc... Người thận hư, hoạt tinh không nên dùng.

Cháo bí đao.

Cháo tứ nhân:
bạch quả nhân 2g, cam hạnh nhân 2g, hạnh đào nhân 5g, lạc nhân 5g, trứng gà 1 quả. Bốn vị thuốc đều nghiền vụn, cho trứng gà nấu vừa một bát. Ăn vào buổi sáng hằng ngày, dùng liên tục trong nửa năm. Công dụng: khỏi ho, bình suyễn. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn ở người già.
Cháo gừng tươi, sơn trà: lá sơn trà 15g, gừng tươi 15g, gạo lức 100g, dầu ăn, muối vừa đủ. Gừng tươi cắt lát, gạo lức đãi sạch, cho cùng lá sơn trà với nước vừa đủ đun sôi, sau nhỏ lửa nấu cháo, khi chín cho dầu ăn, muối vừa đủ là được. Ngày ăn 1 bát, chia ăn vài lần. Công dụng: kiện vị, trừ đờm, hết ho, hạ khí. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, ho đờm đặc, ợ ngược, không thích ăn.
Cháo phổi lợn, nhân ý dĩ: phổi lợn 500g, gạo lức 100g, nhân ý dĩ 50g. Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, rượu vang vừa đủ, nấu chín vớt ra, cắt quân cờ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, nhân ý dĩ, hành, gừng tươi, muối vừa đủ, rượu vang vừa đủ. Đầu tiên đun to lửa, đun sôi sau nhỏ lửa, gạo chín nhừ là được. Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên có chuyển biến rõ. Công dụng: bổ tỳ phế, khỏi ho. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, lao phổi...
Cháo bí đao, nhân ý dĩ: bí đao 20-30g, nhân ý dĩ 15-20g, gạo lức 100g. Bí đao rửa sạch, đổ nước nấu lấy nước bỏ bã, ý dĩ gạo lức đãi sạch, nước vừa đủ nấu với nước bí đao thành cháo loãng. Ngày ăn một bát chia vài lần. Công dụng: thanh nhiệt hết đờm, kiện tỳ thẩm thấp, thanh nhiệt trừ phong. Dùng cho viêm phế quản mạn, ho có nhiều đờm.


Cháo vỏ quýt:
vỏ quýt tươi 30g, gạo lức 50-100g. Vỏ quýt rửa sạch, nước vừa đủ nấu lấy nước, bỏ bã. Cho gạo lức đãi sạch nấu cháo loãng. Ngày ăn 1 bát chia vài lần. Công dụng: táo thấp, lý khí, hết đờm. Dùng cho viêm phế quản mạn, ho có đờm ướt. Người bệnh âm hư, ho khan hoặc ho khan không đờm, thổ huyết không nên dùng.
Cháo tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu): tang bạch bì tươi 30g (khô 13g), gạo lức 50g. Tang bạch bì rửa sạch, cho 0,2 lít nước nấu còn 0,1 lít nước, bỏ bã lấy nước đặc, cho gạo lức đãi sạch và 0,4 lít nước vào nấu cùng nước tang bạch bì đến khi gạo nở cháo đặc là được. Ngày ăn 2 lần. Công dụng: tả phế bình suyễn, lợi tiểu hết phù. Dùng cho các chứng viêm phế quản mạn, ho phế nhiệt, thở dốc, đờm nhiều, mặt phù, khó tiểu tiện... Người ho phế hàn, ho cảm phong hàn không nên dùng.
Cháo đình lịch tử (hạt đay): hạt đình lịch ngọt 10g, gạo lức 100g. Hạt đình lịch bỏ tạp chất, sao nhỏ lửa đến khi dậy mùi thơm, để nguội, cho nước cô đặc, bỏ bã, cho gạo lức đãi sạch vào, thêm nước vừa đủ nấu chín. Ngày ăn 1 bát chia vài lần. Công dụng: hạ khí, hành thủy. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, ho viêm phổi mạn có đờm, thở dốc hoặc phù chi dưới. Người ho phế hư, tỳ hư, phù thũng không nên dùng.       
BS. Thu Hương

Sunday, April 3, 2016

Câu chuyện cảm động về bài thuốc trừ ho có lịch sử hơn 300 năm

Trong các tài liệu kinh điển về đông y Trung Quốc, có một bài thuốc tên là Xuyên bối tỳ bà cao, thường được các thầy thuốc đông y đem ra làm bài giảng cho các thế hệ học trò, không chỉ bởi công dụng trừ ho, bổ phế, mà còn bởi câu chuyện cảm động về đạo làm con hiếu kính cha mẹ, đã đi vào lịch sử Trung Hoa hơn 300 năm qua.
PHƯƠNG THUỐC CỦA LÒNG HIẾU THẢO
Tụng truyền hơn 300 năm trước, có một vị quan tên là Yan – Iao Xilang, nổi tiếng khắp nơi về tấm lòng hiếu thuận với cha mẹ. Một lần phụ mẫu ông mắc chứng bệnh lạ, bà ho ròng rã nhiều ngày không khỏi. Vị quan đã cho vời các danh y nổi tiếng, cất công tìm kiếm khắp nơi phương thuốc quý, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Bất lực trước bệnh tình nguy nan của mẹ, vị quan đau đớn, buồn rầu, thân xác mỗi ngày một héo hon. May sao, có một vị thần y, cảm kích trước tấm lòng hiếu thuận của vị quan, đã đích thân tìm đến, xin phép được chữa trị cho bà lão. Vị thần y đã lấy phương thuốc, kết hợp từ các thảo mộc ở vùng núi cao ông sinh sống, sắc thành thuốc cho bà lão uống. Bà lão kiên trì uống thuốc. Không bao lâu, bà khỏi bệnh. Sức khỏe bình phục, da dẻ hồng hào tươi nhuận. Bà và con trai vô cùng mừng rỡ, cảm tạ ơn cứu mạng của thần y.
Được hỏi về bài thuốc quý, vị thần y không ngần ngại bày tỏ, đó là phương thuốc có tên “Xuyên bối tỳ bà cao”, với hai vị thuốc chính yếu là Xuyên bối mẫu và tỳ bà diệp, kết hợp cùng nhiều thảo mộc khác. Phương thuốc đã được ông sử dụng để chữa trị cho nhiều người cùng mắc chứng ho như bà lão. Theo ông, bệnh ho lâu ngày không khỏi là bệnh thuộc chứng hư. Cần xem trọng trị bệnh cả gốc lẫn ngọn. Bài thuốc kết hợp các vị thuốc có tính tả (công năng trừ ho, hóa đờm) với các vị thuốc có tính bổ (công năng bổ phế, bổ tỳ vị), nên cải thiện bệnh từ gốc, mang lại cho người bệnh sinh lực dồi dào, khơi dậy tiềm năng chữa bệnh tự nhiên.
Theo tâm nguyện của bà lão, vị quan đã cùng với thần y mở ra tiệm thuốc “Nghĩa Sinh đường” (với ý nghĩa tưởng nhớ ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ), và sử dụng phương thuốc này để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Xuyên bối tỳ bà cao cùng với câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu thảo được lưu truyền khắp dân gian, trở thành  bảo bối trong nhiều gia đình, và được kế thừa từ đời này sang đời khác.

TỪ PHƯƠNG THUỐC LỊCH SỬ 300 NĂM ĐẾN SẢN PHẨM THUỐC HO, BỔ PHẾ CỦA THẾ KỶ 21
Xuyên bối tỳ bà cao là phương thuốc điển hình, với cấu trúc chặt chẽ và sự vận dụng linh hoạt các nguyên lý trị bệnh của y học cổ truyền. 12 vị thuốc được kết hợp theo trật tự Quân – Thần – Tá – Sứ, phân định rõ vai trò chính yếu của từng vị thuốc, tương tự cấp bậc trong triều đình phong kiến xưa.
Nắm giữ vai trò cốt yếu là vị Quân dược – Xuyên bối mẫu. Vị đắng, tính hơi hàn, dưỡng âm, thanh phế, hóa đờm, chỉ khái. Đông y sử dụng để điều trị các chứng khái thấu (ho) lâu ngày, đờm đặc, tanh hôi, phế ung, phế suy. Bối mẫu được trồng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) có công dụng tốt nhất. Khi dùng làm thuốc, được bỏ lõi, sao vàng, chỉ cần dùng một lượng nhỏ trong phương thuốc là đã có công hiệu. Là vị thuốc quý nên Xuyên bối mẫu khá mắc tiền, được xem là bảo bối của người mẹ (bối mẫu) trong các gia đình Trung Hoa thời xưa.
Quan trọng thứ hai sau vị Quân, là vị Thần dược – Tỳ bà diệp, có tính mát, công năng hóa đờm, tán kết, giáng khí chỉ khái, thích hợp chữa trị các chứng phế nhiệt gây ho, đờm thịnh ở phế, khô cổ, khản tiếng, ho ra máu...
Phò trợ cho tác dụng của Quân dược và Thần dược là nhiều vị Tá, với tác dụng phong phú, cùng hiệp đồng làm tăng công hiệu cho phương thuốc, đồng thời tạo ra sự quân bình âm dương, hài hòa cho phương thuốc. Làm mạnh thêm công năng hóa đờm có các vị: Cát cánh, Viễn chí; Trừ ho có Qua lâu nhân, Khổ hạnh nhân; Tiêu độc, sát trùng có Gừng tươi, bạc hà. Đặc biệt, các vị có tính bổ gồm Sa sâm, Phục linh, Ngũ vị tử, làm cho phương pháp trị bệnh trở nên toàn diện, coi trọng phép bổ để cải thiện bệnh từ gốc.
Giữ vai trò điều vị, dẫn thuốc là vị Sứ - Cam thảo, đồng thời cũng là vị thuốc có nhiều công năng bổ trợ quan trọng như hóa đờm, tiêu viêm, tán ứ…
Tóm lại, sự kết hợp một cách có trật tự của 12 vị thuốc, theo nguyên lý trị bệnh của y học cổ truyền, làm cho phương thuốc hội tụ đầy đủ công năng vừa tả (trừ ho, hóa đờm), vừa bổ, giúp trị bệnh toàn diện cả gốc lẫn ngọn mà hiếm một phương thuốc nào có được.
Xuyên bối tỳ bà cao được sử dụng rộng rãi trong suốt hơn 300 năm qua, từ dạng thuốc sắc cổ truyền, tới sau này, được nhiều công ty dược  Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan vận dụng để bào chế thành các sản phẩm thuốc ho tiện dụng, phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Phương thuốc được Bộ y tế Trung Quốc chuẩn hóa và hệ thống trong Dược Điển Trung Quốc, làm cơ sở cho nghiên cứu, học tập và ứng dụng.
Với tính chất lịch sử và công dụng quý, Xuyên bối tỳ bà cao đã được du nhập sang nhiều nước có nền y học cổ truyền phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…theo con đường học tập, giao lưu phát triển y học của nhiều thầy thuốc đông y.
Càng về sau, dựa trên kinh nghiệm trị bệnh, Xuyên bối tỳ bà cao được vận dụng sáng tạo theo nhiều cách khác nhau, làm cho công hiệu của phương thuốc ngày càng trở nên toàn vẹn hơn. Như việc gia thêm các vị thuốc dân gian Việt Nam ô mai, vỏ quýt, mật ong, được các thầy thuốc đông y đánh giá là một trong những cách kết hợp khéo léo nhất, mang lại cho phương thuốc sự hội tụ cả tinh hoa y học cổ truyền phương Đông và kinh nghiệm dân gian Việt Nam.

Friday, April 1, 2016

Món ăn cho người bệnh sởi

Chúng tôi giới thiệu tiếp những món ăn - nước uống dành cho người bệnh sởi để bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.
Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân sốt, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, mắt đỏ chảy nước mắt, ở niêm mạc miệng và khoang miệng, hai gò má xuất hiện các mẩn màu trắng, viền ngoài hơi hồng.
Món ăn cho người bệnh sởi 1
Người bệnh sởi nên ăn canh đậu phụ - rau mùi trong thời kỳ phát bệnh.

Nước nấm hương: nấm hương 25g, bạc hà 2g. Nấm hương rửa sạch, cho vào nồi cùng 200ml nước đun sôi kỹ trong 2 - 3 phút, vớt bỏ nấm hương, cho bạc hà vào đun tiếp, khi sôi kỹ, chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, chỉ uống trong 1 - 2 ngày đầu khi mới mắc bệnh.
Canh đậu phụ: đậu phụ 1 miếng khoảng 200g, rau mùi non 25g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Đậu phụ cắt miếng nhỏ, rán bằng dầu thực vật cho vàng. Rau mùi rửa sạch cho vào nồi, thêm 250ml nước sôi, đun nhỏ lửa, canh sôi cho đậu phụ, bột gia vị vào đảo đều, canh sôi lại là được. Cho bệnh nhân ăn ngày 1 lần lúc đói, có thể ăn với cơm, chỉ ăn 1 - 2 ngày đầu mới bị sởi.
Món ăn cho người bệnh sởi 2
Cháo hồng táo - củ mài tốt cho người bệnh sởi trong thời kỳ sởi bay.

Thời kỳ sởi mọc: Bệnh nhân sốt cao kéo dài, ho tăng, nặng tiếng, miệng khát, người khó ở trằn trọc, xuất hiện các nốt mẩn nhỏ màu đỏ gồ cao hơn mặt da, sờ vào thấy gợn ở tay, ở đầu, trán, cổ, mặt. Mụn phát triển dày dần lên và lan xuống ngực, bụng, chân tay, lòng bàn chân bàn tay, cuối giai đoạn này, sốt có phần giảm.
Nước củ cải: củ cải 150g, đường phèn 15g. Củ cải rửa sạch ép lấy nước, cho đường phèn vào, hấp cách thủy cho chín và tan hết đường, để nguội chia 2 lần uống trong ngày. Cần uống 1 - 2 ngày liền trong thời kỳ sởi mọc, ho có nhiều đờm.
Nước lê tươi: lê tươi 1 quả khoảng 200g, đường phèn 10g. Lê tươi rửa sạch cắt ở phần gần núm tạo thành một cái nắp, khoét bỏ một phần ruột quả lên, cho đường phèn vào đậy nắp lại, ghim chặt, đem hấp cách thủy. Khi lê chín, đem ép lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 2 - 3 ngày trong thời kỳ sởi mọc có sốt cao và ho.
Thời kỳ sởi bay: Các mụn mẩn lặn theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ xuống tới chân tay, sốt giảm dần, bệnh nhân ho khan ít đờm, trên mặt da bong rụng dạng như mạt cám, cơ thể thấy thoải mái, người bệnh khỏe dần trở lại.
Cháo kê: kê hạt 50g, hạt sen cả tâm 30g, đường phèn 10g. Hạt kê bỏ vỏ cho vào nồi thêm 250ml nước ninh nhừ thành cháo. Hạt sen bỏ vỏ xay thành bột mịn, khi cháo kê chín nhừ, cho bột hạt sen, đường phèn vào khuấy đều, cháo sôi lại là được. Cho bệnh nhân ăn ngày 2 lần lúc đói, cần ăn liền 3 - 4 ngày để phục hồi sức khỏe sau khi sởi bay, giảm trằn trọc, khó ngủ.
Cháo hồng táo: hồng táo 5 quả, củ mài 25g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Hồng táo bỏ hạt, giã nhỏ cho vào nồi, thêm 400ml nước đun sôi. Củ mài, gạo tẻ xay nhỏ, cho nước táo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín, cho đường phèn vào, quấy cho tan đường, cháo sôi lại là được. Cho bệnh nhân ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 4 - 5 ngày.
Cháo cà rốt: cà rốt 50g, củ mài 25g, lá dâu non 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Cà rốt rửa sạch. Củ mài, gạo xay nhỏ, cho vào nồi, thêm 400ml nước đun trên lửa nhỏ. Lá dâu rửa sạch thái nhỏ, khi cháo chín, cho lá dâu, đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Bệnh nhân ăn ngày 2 lần lúc đói, cần ăn liền 4 - 5 ngày. Tác dụng: tiệt nọc sởi, loại trừ biến chứng ho kéo dài và đờm khò khè ở cổ.
Lương y Đình Thuấn